e-Dulich

10 lý do thất bại phổ biến trong kinh doanh homestay

Bạn đang chuẩn bị kinh doanh homestay hãy đọc ngay bài viết này để tránh các sai lầm dẫn đến thất bại sớm khi làm homestay. Bài viết sẽ chỉ ra những vấn đề và làm sao để khắc phục nếu bạn lỡ dính phải các lỗi sai trên.

Ngoài các rủi ro về dịch bệnh, thiên tai thì đây là 10 sai lầm phổ biến mà bạn cần phải để ý để tránh.

 

Mục lục đọc nhanh

1. Không nghiên cứu thị trường trước khi làm homestay

Trong tất cả khóa học kinh doanh homestay và bài viết hướng dẫn E-dulich đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu thị trường trước khi làm kinh doanh. Khi nghiên cứu thị trường bạn sẽ biết được:

  • Nên làm mô hình homestay kiểu nào: căn hộ, hay homestay từng phòng, kiểu homestay truyền thống ở cùng chủ nhà.
  • Nên làm nhà bê tông bình thường hay bungalow nhà gỗ, lều, nhà sàn… để có sức cạnh tranh, và thu hút khách hơn.
  • Nên bán giá phòng bao nhiêu và khi nào hòa vốn.
  • Số lượng khách du lịch tới chỗ bạn làm, quốc tế hay khách nội địa.
  • Khách thường tập trung vào cuối tuần hay rải đều trong tuần?
  • Mùa cao điểm, thấp điểm ở địa phương bạn.

Tất cả những nghiên cứu trên sẽ quyết định tới 40% bạn có nên làm homestay hay không. Nếu bạn không tìm hiểu các yếu tố trên thì có thể bạn đầu tư tiền mà không thu về được vì không có nhiều khách. Hoặc có thể nơi đó quá cạnh tranh mà mô hình homestay của bạn y chang người khác thì không thể bán được giá cao hay khó thu hút khách.

Xem hướng dẫn kinh doanh homestay chi tiết nhất từ A-Z.

khác biệt giữa glamping và camping

Xem thêm: Phân tích thị trường và tiềm năng kinh doanh homestay Đà Lạt

2. Bỏ quá nhiều chi phí đầu tư xây dựng khi thuê nhà làm homestay

Trường hợp này E-dulich đã gặp rất nhiều từ những khách hàng nhờ E-dulich tư vấn. Khi thuê nhà mà bạn bỏ ra tiền sửa chữa quá nhiều vượt quá so với tiền đặt cọc đền bù nếu lấy lại nhà thì rủi ro kinh doanh của bạn rất cao. Hợp đồng nếu không ràng buộc rõ việc đền bù nếu lấy lại nhà thì sẽ rất rủi ro.

Tốt nhất, khi bạn chuẩn bị kinh doanh homestay thì nên tính toán kỹ chi phí, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn rồi mới quyết định có đầu tư vào chỗ đó hay không.

Nếu thuê nhà để làm homestay nên chọn nhà đã có phòng tắm riêng biệt mỗi phòng. Chỉ khi chọn làm dạng villa, nhà nguyên căn mới không cần phòng tắm mỗi phòng. Chọn nhà có kết cấu tốt, không phải sửa chữa xây dựng nhiều.

Nếu bạn phải xây dựng từ a-z thì chỉ nên chọn thuê đất làm, hoặc nhà cải tạo với chi phí rất thấp. Thời gian thuê đất phải đủ dài và phí thuê thấp để đủ cho bạn có thời gian hồi vốn và sinh lời.

Khởi nghiệp kinh doanh homestay

3. Không có kinh nghiệm vận hành homestay

Trong kinh doanh ngành lưu trú, dịch vụ đóng vai trò then chốt để bạn có khách và khách có quay trở lại, có giới thiệu người khác tới hay không.

Đa số các homestay có lượng khách đặt phòng qua các kênh OTA và để khách chọn bạn thì ngoài hình đẹp ra cần phải có review tốt. Nếu bạn không có kinh nghiệm vận hành homestay thì khó giữ được khách và tốn nhiều chi phí.

Học vận hành homestay như thế nào?

  • Quy trình hướng dẫn khách check in, đưa khách lên phòng, giới thiệu về homestay.
  • Trả lời các câu hỏi về các điểm tham quan, vui chơi địa phương.
  • Quy trình dọn phòng có sạch sẽ hay không.
  • Nhờ khách review sau khi ở.
  • Quy trình check out cho khách như thế nào.

Xem thêm: khóa học hướng dẫn kinh doanh và vận hành homestay chuyên nghiệp.

4. Vị trí căn homestay không thuận lợi

Đây là bước bạn cần khảo sát từ trước lúc bắt tay ký hợp đồng thuê đất/thuê nhà. Thậm chí khi làm trên đất của chính nhà bạn mà không có bất kỳ thuận lợi gì về du lịch thì bỏ tiền ra làm homestay cũng không đem lại thu nhập.

Đây là các bước bạn cần biết để đánh giá vị trí căn homestay:

  • Chỗ đó có đông khách du lịch không? Khách có đều không?
  • Vì sao khách chọn ở vị trí chỗ bạn?
  • Chỗ bạn cách trung tâm bao xa? Nếu ở thành phố nhỏ thì cách 2km là tốt, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì dưới 5km.
  • Chỗ bạn có gần điểm du lịch nào nổi tiếng?
  • Chỗ bạn có thuận lợi về thiên nhiên: view thung lũng, sông hồ, ruộng bậc thang, núi, rừng thông?

Nếu điểm bạn định làm homestay không có thỏa mãn 1 trong các yếu tố trên thì làm ra sẽ không có khách. Nếu bạn có ý định chỉ đón khách địa phương trong tỉnh bạn thì cần phải xây dựng khu sinh thái nhiều tiểu cảnh đẹp sống ảo xung quanh homestay thì may ra có tiềm năng.

lều yurt

5. Cạnh tranh quá cao

Đây là 1 trong những lý do chính khiến bạn kinh doanh homestay thất bại. Cạnh tranh cao mà bạn không có điểm khác biệt để thu hút khách thì rõ ràng rất khó có khách đều.

Cạnh tranh cao, nhu cầu lớn khiến giá thuê nhà làm homestay cũng cao hơn. Nếu bạn đi thuê nhà làm homestay có khi doanh thu không bù nổi tiền thuê nhà và chi phí đặc biệt là vào mùa thấp điểm.

Do đó để đối phó với khi bạn làm homestay ở nơi cạnh tranh cao thì:

  • Trang trí homestay đẹp, nhiều chỗ sống ảo, phong cách mới lạ.
  • Đánh vào phân khúc cao cấp hơn, thay vì làm kiểu homestay giá rẻ từ 250K-400K bạn có thể nâng cấp tiện nghi để bán từ 600K trở lên.
  • Nếu ai cũng tập trung phân khúc khách Việt bạn có thể làm phân khúc khách Tây.
  • Dịch vụ thật tốt, để mỗi khách ở là nhớ và giới thiệu truyền miệng.

6. Không biết cách marketing homestay

Đa phần E-dulich thấy các bạn chủ homestay thường chỉ tập trung bán phòng bằng các cách sau:

  • Spam comment trên facebook group về du lịch ở địa phương.
  • Chạy quảng cáo Facebook.
  • Nguồn khách từ kênh OTA.
  • Nguồn khách từ mối quan hệ quen biết cá nhân.
  • Khách đã từng ở giới thiệu truyền miệng.

Tất cả các cách trên đều tốt ngoại trừ spam comment trên facebook. Tuy nhiên, để homestay bạn có khách đều và tỷ lệ kín phòng trên 50% thì bạn cần phải biết cách marketing homestay thông minh hơn.

Xem thêm: hướng dẫn marketing hiệu quả cho homestay và dịch vụ set up homestay chuyên nghiệp bao gồm marketing

7. Không đa dạng kênh bán phòng

Đây là lỗi thường gặp ở đa số các homestay ở tỉnh lẻ và vùng xâu vùng xa. Lý do là chủ homestay không biết đăng bán và quản lý phòng các kênh OTA hoặc không biết đến nhiều kênh OTA để làm.

Khi bạn giới hạn hoặc không bỏ lên các kênh OTA bán thì bạn không bao giờ có thể lấp đầy phòng trừ khi lượng đặt phòng trực tiếp quá đông.

Những kênh OTA bạn cần làm khi mới đầu kinh doanh homestay:

  • Booking.com (hoa hồng trả 15%).
  • Agoda.com (hoa hồng trả từ 15%).
  • Airbnb.com (hoa hồng trả 3%).
  • Hostelworld (hoa hồng 12%). Đăng bán khi bạn kinh doanh phòng dorm cho khách Tây Balo.
  • Expedia (hoa hồng từ 15%). Đăng bán khi khách từ Mỹ, Canada nhiều.
  • Traveloka. Bán khi khách chủ yếu là Việt Nam và Đông Nam Á.
  • Trip.com. Nếu muốn hướng tới khách Châu Á đặc biệt Trung Quốc.
  • Vntrip. Tập trung nguồn khách Việt Nam.

Xem thêm: review các kênh OTA bán phòng chạy nhất.

review OTA

8. Dịch vụ kém

Ngày nay , khách tìm homestay chủ yếu cũng qua các group facebook, kênh bán phòng OTA và truyền miệng thì dịch vụ kém chính là nguyên nhân bạn không có khách hàng và dẫn đến thất bại đầu tiên.

Khi dịch vụ kém thì sẽ dẫn tới điểm review trên các kênh OTA từ khách đã đặt thấp, khi review kém thì không ai dại gì lại đi đặt homestay đó. Khách chắc chắn sẽ truyền miệng cho người này người khác biết để tránh đặt những homestay dịch vụ kém.

Nguyên nhân của dịch vụ kém:

  • Thái độ của nhân viên lễ tân, không niềm nở chào đón khách, không hỗ trợ nhiệt tình cho khách trong lúc ở.
  • Người nhà hay chính chủ homestay vận hành không có kinh nghiệm chăm sóc khách gây ra việc khách không hài lòng.
  • Xảy ra tình trạng mất đồ trong quá trình khách ở.
  • Nhận phòng không đúng mô tả hay hạng phòng khách đặt.
  • Tranh cãi với khách.

9. Bất đồng với người góp vốn, cộng sự cùng làm

Đây là vấn đề rất hay gặp phải khi bạn kinh doanh homestay với các partner (cộng sự khác). Việc bất đồng quan điểm làm việc, phân chia công việc và tài chính không đều, không minh bạch sớm muộn gì cũng dẫn đến tan rã.

Vậy làm sao để bạn tìm được cộng sự phù hợp:

  • Nếu chỉ góp vốn không can thiệp vào kinh doanh homestay. Chỉ có người có kinh nghiệm vận hành mới đi làm chuyện kinh doanh vận hành.
  • Chia đều công việc cho nhau nếu nhiều người cùng vận hành.
  • Tài chính rõ ràng tất cả những khoản thu chi, khoản nào tái đầu tư cũng phải để dành ra chứ không tiêu pha lộn xộn.
  • Xác định quan điểm làm việc từ ban đầu để tránh những rắc rối phát sinh.

10. Cơ sở vật chất của homestay

Những điều khách kỵ nhất khi ở homestay mang lại cảm giác vô cùng không thoải mái và họ sẽ không quay trở lại, đồng thời để lại review xấu cho homestay bạn:

  • Phòng cách âm kém, tối không có ánh sáng tự nhiên và không có thông thoáng khí.
  • Phòng và toilet không sạch sẽ, có côn trùng (đặc biệt bedbug rệp), mùi cống từ toilet bay lên.
  • Nệm và gối cứng. Đặc biệt loại nệm gòn Hàn Quốc là nệm tuyệt đối không bao giờ nên sử dụng trong homestay.
  • Internet chậm, nước nóng thường xuyên bị ngắt do nhiều homestay dùng máy nước nóng năng lượng mặt trời mà trúng thời tiết mưa nhiều ngày hay máy nước nóng gián tiếp không đủ dung tích.
  • Phòng quá nóng hoặc quá lạnh.

Cách giải quyết trong các trường hợp trên:

  • Thêm nhiều trang trí trên tường để gia tăng tính cách âm, search google cách âm tốt cho phòng như thế nào để sửa chữa.
  • Thêm cửa sổ hoặc quạt thông gió, hoặc giảm giá loại phòng không có cửa sổ.
  • Kiểm tra kỹ khẩu dọn dẹp và training lại người dọn đảm bảo tính sạch sẽ tiêu chuẩn như khách sạn.
  • Gọi đội xử lý côn trùng phun toàn bộ phòng và xung quanh homestay 6 tháng/lần để đảm bảo không có côn trùng.
  • Với nhà bị dính bedbug (rệp) phải phong tỏa phòng đó không cho thuê, phơi toàn bộ nệm dưới trời nắng dệt bọ và phun thuốc xử lý rệp cả phòng.
  • Thay toàn bộ nệm và gối hoặc mua miếng top nệm dày từ 5-7cm để đặt lên nệm. Gối thì nên dùng loại 50*70 mềm giá chỉ tầm 150K/bộ.
  • Nâng gói cước internet và mua cổng chia internet chất lượng tốt để đảm bảo chất lượng đường truyền mỗi phòng.
  • Nếu bạn đang dùng máy năng lượng mặt trời nên có 1 máy nước nóng gián tiếp dung lượng cao đủ cho số phòng và số khách sử dụng, hãy liên hệ bên bán báo số người sử dụng để được tư vấn dung lượng chính xác.
  • Phòng quá nóng thì bổ sung máy điều hòa, nếu chỉ là nóng 1-3 tháng/1 năm thì bạn có thể chỉ cần dùng quạt. Phòng quá lạnh thì dùng máy điều hòa 2 chiều hoặc dùng chăn sưởi cho khách. Bạn có thể tăng giá bán phòng khi trang bị thêm các thiết bị mắc tiền.
  • Luôn phải mô tả chính xác tình trạng cơ sở vật chất trong các kênh OTA hoặc cho khách biết trước khi nhận phòng để tránh tình trạng khách thất vọng.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top